Viêm dạ dày mạn tính là bệnh phổ biến với triệu chứng lâm sàng đa dạng nhưng chủ yếu là khó chịu hoặc đau vùng thượng vị, đau âm ỉ, đau nhói hoặc cảm giác rát bỏng, kèm theo các triệu chứng ăn không ngon, ợ hơi, buồn nôn, nôn, mệt mỏi...
Để chữa trị hiệu quả phải kết hợp dùng thuốc và chế độ ăn uống phù hợp. Trước hết người bệnh cần tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, cà phê đặc hoặc trà đặc.
Ăn uống phải đúng giờ, ăn những thứ dễ tiêu hóa. Không nên ăn chua, ăn nguội, quá nóng, quá cay và đồ khô rắn, tránh để đói hoặc no quá. Khi ăn phải nhai chậm, nhai kỹ.
Nên ăn nhiều bữa và số lượng thức ăn trong mỗi bữa có thể ít đi. Hạn chế ăn các thực phẩm ướp hoặc xào rán, ít ăn các thực phẩm mặn và các loại bánh quá ngọt.
Món ăn, bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm dạ dày mạn tính
Bài 1: Tiểu hồi hương 6g, gừng tươi 6g, sắc lấy nước, cho thêm 100g gạo tẻ nấu thành cháo loãng. Dùng cho người bị viêm dạ dày mạn tính, yếu lạnh đau bụng.
Bài 2: Dạ dày lợn 1 bộ, rửa sạch, đậu tương 100g, thêm nước vừa đủ, đun nhừ chia bữa ăn. Dùng cho người viêm dạ dày mạn tính, sức khỏe kém.
Bài 3: Hoài sơn dược 100g, kê nội kim sống 100g, bán hạ ngâm dấm 60g, triết bối mẫu 40g, nghiền thành bột, mỗi lần 3g, uống với nước, ngày 3 lần.
Bài 4: Dạ dày dê một cái hầm với gừng tươi, riềng và nhục quế (lượng vừa đủ), chia ăn vài lần trong ngày. Dùng cho người bị viêm dạ dày mạn tính thể tỳ vị hư hàn.
Bài 5: Một ít hạt súng, hạt sen, hồng táo, hoài sơn dược, ý dĩ nhân, đẳng sâm, bạch truật, phục linh, cam thảo nghiền thành bột, mỗi lần lấy 30g, cho vào nước để nóng hoặc cho vào cháo ăn.
Các món ăn, bài thuốc trên có thể ăn 3 - 5 lần, sau đó nghỉ 1 tuần lại dùng tiếp.
Bác sĩ Thu Lan
Theo SK&ĐS