Bà bầu ăn gì trong bữa phụ?

Để việc ăn uống đủ về lượng và tốt về chất, ngoài ba bữa ăn chính, bà bầu cần bổ sung các bữa ăn phụ.
Theo Lương y Nguyễn Đức Nghĩa (Hội Dược liệu TP. HCM), khi mang thai, trạng thái tâm sinh lý của người mẹ có những biến đổi lớn như ốm nghén, thèm ăn, phù, đi tiểu khó, táo bón… Bởi vậy, để việc ăn uống đủ về lượng và tốt về chất, ngoài ba bữa ăn chính, bà bầu cần bổ sung các bữa ăn phụ. Dưới đây là một số món ăn phụ bổ dưỡng mà rất dễ chế biến dành cho các mẹ bầu.

Trứng gà xào lá ngải cứu

Nguyên liệu: Lá ngải cứu (còn gọi là cây thuốc cứu, cây thuốc cao, ngải điệp) tươi 1 nắm to; trứng gà ta 2 quả; gia vị, hành khô.

Chế biến: Phi thơm hành khô băm nhỏ, cho lá ngải đã rửa sạch và ráo nước vào xào nhanh tay, nêm gia vị cho vừa miệng.

Khi ngải đã tái cho thêm ½ bát ăn cơm nước vào đợi nước sôi trở lại. Đập trứng gà vào nồi ngải, đảo đều tay cho trứng quyện với lá ngải tầm 5 phút. Ăn nóng.

Món ăn này có tác dụng an thai, đặc biệt tốt cho thai kỳ từ 1 – 3 tháng. Một tuần, bà bầu có thể ăn từ 2 – 3 lần.

Gà ác hầm sa nhân

Nguyên liệu: Gà ác 1 con; sa nhân 5 quả ; đảng sâm 10 gam; táo khô (táo đỏ) 3 quả.

Chế biến: Cho gà vào nồi, cho lượng nước vừa phải vào đun sôi, sau đó cho tất cả các nguyên liệu trên vào, hầm 1 tiếng. Món ăn có tác dụng bồi bổ, giảm mệt mỏi, tăng cường sức đề kháng. Một tuần, bà bầu có thể ăn 2 lần.
Cháo mè đen

Nguyên liệu: 200 gr mè đen; 300 gr dừa nạo; 70 gr đường phèn; 50 gam bột gạo.

Chế biến: Mè đen đãi cho sạch, rửa nước sau đó để ráo, đem phơi khô. Bắc chảo nóng cho mè vào rang chín. Dừa cho vào 600 ml nước lã, vắt lấy 1 lần vừa nước cốt, nước dảo.

Xay nhuyễn mè đen rồi bắc nồi mè đen lên bếp quấy chè liền tay khoảng 3 phút; cho đường, nước dừa vào quấy tiếp tục khoảng 3 phút; cho bột gạo vào cái rây, lược bột vào nồi chè và quấy liền tay đến khi chín.

Món ăn này có tác dụng chống táo bón giảm nám mặt, rụng tóc vốn thường gặp ở các bà mẹ đang mang thai. Bà bầu có thể ăn một tuần một lần.

Chè đậu ván

Nguyên liệu: 300 gam đậu ván tươi, bóc vỏ; 300 gam đường cát trắng; 100 gam bột năng.

Chế biến: Nấu đường với 1,5 lít nước cho tan (thường xuyên khuấy để đường không đóng lại dưới đáy nồi, dễ bị vàng hoặc khê). Cho bột năng lỏng (đã hòa với nước) vào, khuấy cho đến khi có độ sánh.

Cho đậu ván vào, trộn đều. Nếu thích có thể ăn kèm với nước cốt dừa. Món ăn này có tác dụng chữa các bệnh cảm nắng, khát nước, tiêu chảy, kiết lỵ ra máu, đau bụng, nôn ọe. Bà bầu có thể ăn liên tục trong tuần.

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa lưu ý, để những món ăn trên thực sự ngon miệng và phát huy những tác dụng tích cực, nên chú ý chọn những nguyên liệu chế biến đảm bảo sạch có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng chất bảo quản.

Dinh dưỡng của người mẹ trong thời gian mang thai tác động rất lớn đến thể chất và tinh thần của bé sau này. Bởi vậy, bên cạnh việc khám thai định kỳ thì việc ăn uống đầy đủ, khoa học là yêu cầu thiết với các mẹ bầu.

Theo Eva
 Bài viết cùng chủ đề:
-              Chuối giảm chứng ốm nghén hiệu quả
-              Lưu ý khi chế biến thịt ếch cho mẹ bầu
-              Bà bầu có nên "ăn gì mình muốn"?
-              Mang thai nên ăn cá gì?
-              Tại sao trứng gà tốt cho bà bầu?

 
Cùng nhau ăn món ngon để giảm cân hiệu quả nhé